Vị thế xã hội của Phụ nữ Việt Nam Phụ_nữ_Việt_Nam

Trong xã hội Việt Nam hiện nay phụ nữ đóng góp một phần rất lớn vào quá trình phát triển của đất nước, thể hiện ở số nữ chiếm tỉ lệ cao trong lực lượng lao động. Với hơn 50% dân số và gần 50% lực lượng lao động xã hội, ngày càng có nhiều phụ nữ tham gia vào hầu hết các lĩnh vực của đời sống xã hội và giữ những chức vụ quan trọng trong bộ máy nhà nước.[7]

  • Về chính trị: Với tỉ lệ nữ đại biểu trong Quốc hội là 27,31% của Khóa XI đã đưa Việt Nam lên vị trí thứ nhất châu Á và thứ hai khu vực châu Á Thái Bình Dương về tỷ lệ nữ tham gia Quốc hội. Tỷ lệ nữ đại biểu Quốc hội không chỉ tăng dần số lượng qua từng khóa mà còn mạnh lên cả về chất lượng, hoạt động đại biểu[8] và Việt Nam được đánh giá là nước có tỉ lệ phụ nữ tham gia hoạt động chính trị cao nhất thế giới.[9] tỉ lệ đại biểu nữ trong Quốc hội (khóa XII) tăng lên tới 33,1%,số phụ nữ tham gia Hội đồng nhân dân các cấp là trên 20%[7]. Hiện đang có kế hoạch tăng lên hơn 35% nữ đại biểu có mặt trong Quốc hội bất chấp rào cản trong bất bình đẳng giới.[10]
  • Về giáo dục: Cứ 100 cử nhân có 36 nữ, 100 thạc sĩ có 34 nữ, 100 tiến sĩ có 24 nữ[8]. Hơn 90% phụ nữ biết đọc, biết viết. Ngay trong giới báo chí, tỷ lệ các nhà báo nữ cũng ước tính tới gần 30%. Phụ nữ chiếm ưu thế trong một số ngành như Giáo dục, Y tế, và Dịch vụ. Trong công tác chuyên môn, phụ nữ chiếm số đông trong các bộ môn Văn học, ngôn ngữ, y dược, Khoa học xã hội, Khoa học tự nhiênKinh tế. Nếu tính tổng số giờ làm việc của nữ giới (kể cả ở nhà và bên ngoài) cao hơn rất nhiều so với nam giới.[7][11]
  • Về luật pháp: Phụ nữ được luật pháp bảo vệ với Luật Bình đẳng giới cùng các luật, nghị định, quyết định và pháp lệnh khác trong việc bảo đảm cho các cấp Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam tham gia quản lý nhà nước cũng như các chương trình hành động phòng, chống tội phạm buôn bán phụ nữ, mại dâm, bạo hành trong gia đình và tuyên truyền nâng cao ý thức về quyền lợi của người phụ nữ trong các vấn đề này.[12][13][14] Việt Nam cũng là một trong số ít các quốc gia đã hoàn thành báo cáo về tình hình thực hiện Công ước về xóa bỏ mọi hình thức phân biệt đối xử với phụ nữ (CEDAW). Đặc biệt, hệ thống các ban Vì sự tiến bộ của phụ nữ đã được thành lập ở 45 bộ, ngành và toàn bộ 64 tỉnh, thành phố. Mạng lưới cán bộ tư vấn về giới hoạt động hiệu quả, hệ thống pháp luật bảo đảm quyền bình đẳng của phụ nữ được tăng cường.[7] Bộ LĐTBXH cũng đã tổ chức Hội thảo lấy ý kiến về tăng chính sách cho phụ nữ trong dự thảo Bộ luật Lao động tại Hà Nội.[15]
  • Về kinh tế: Có tới 71% phụ nữ từ 13 tuổi trở lên là những người có thu nhập. Số hộ nghèo do phụ nữ làm chủ đã giảm từ 37% năm 1998 xuống còn 8% năm 2004.Quyền của phụ nữ về kinh tế đã được nâng lên thông qua việc pháp luật quy định phụ nữ cùng đứng tên với nam giới trong giấy chứng nhận quyền sở hữu đất đai, nhà ở, và tài sản.[7] Hiện nay, số doanh nghiệp do phụ nữ điều hành hoặc làm chủ chiếm tới trên 20% tổng số doanh nghiệp ở Việt Nam. Những doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ phần lớn thuộc về khu vực thương mại, dịch vụ, sản xuất, chế biến nông sản, thủy sản.[16] Nhiều tấm gương phụ nữ trẻ làm kinh tế giỏi không những chỉ làm giàu cho bản thân mà còn đóng góp được nhiều cho xã hội,giúp đỡ nhiều người có hoàn cảnh khó khăn giống mình.[17][18][19][20]

Phụ nữ trong xã hội Việt Nam hiện nay ngoài những điểm tích cực, tiến bộ thì vẫn đang đối mặt với một số vấn đề hạn chế, tiêu cực trong xã hội là:

  • Phân biệt đối xử trong xã hội - Bình đẳng giới: Ở Việt Nam, số nam giới làm cán bộ quản lý cao hơn năm lần so với nữ giới.[21] Các gia đình mong muốn có con trai, đặc biệt là con đầu lòng, đây là một trong các nguyên nhân dẫn tới tỷ lệ phá thai nữ rất cao ở Việt Nam, và sự mất cân bằng giới tính. Theo thống kê mới nhất, tỷ lệ trẻ em nam/nữ hiện tại là 120/100, dự báo đến năm 2030, sẽ mất cân bằng giới tính trong hôn nhân (thừa nam thiếu nữ)[cần dẫn nguồn]. Còn nhiều phụ nữ phải làm trong các ngành nghề độc hại không phù hợp.
  • Bạo hành gia đình: Theo báo cáo của Ủy ban Dân số - Gia đình và Trẻ em, 30% số phụ nữ bị đánh đập, lạm dụng cưỡng bức bằng nhiều hình thức do người chồng gây ra.[22] Theo số liệu thống kê của Liên Hiệp Quốc và Tổng cục Thống kê thì 58% phụ nữ Việt Nam là nạn nhân của bạo lực gia đình.[23] Nhiều vụ bạo hành thương tâm diễn ra, để lại di chứng rất nặng nề cho người phụ nữ.[24]
  • Buôn bán phụ nữ: hàng năm, có hàng nghìn phụ nữ Việt Nam bị buôn bán trái phép qua biên giới (theo số liệu Liên hợp quốc). Có các chương trình của các tổ chức quốc tế, cũng như của Liên hiệp Phụ nữ VN chống buôn bán phụ nữ. Tuy nhiên, vẫn có rất nhiều các trường hợp phụ nữ bị bán qua biên giới, qua Trung Quốc, Campuchia, Đài Loan, Hong Kong, Malaysia và Thái Lan. Rất nhiều phụ nữ và trẻ em Việt Nam sinh sống tại vùng biên đã bị bắt cóc bán sang Trung Quốc làm vợ hoặc phục vụ trong các động mại dâm. Tình trạng này thực sự trở lên đáng báo động khi số người bị buôn bán ngày càng gia tăng.[25] Theo báo cáo Liên hợp quốc, năm 2004, có khoảng 50.000 phụ nữ bị đưa đi làm gái tại Campuchia, trong đó có nhiều cô gái Việt Nam. Unicef thống kê có khoảng một phần ba gái mại dâm ở Campuchia dưới 18 tuổi, và hầu hết là người Việt Nam.[26] Ước tính có khoảng 10% số vụ hôn nhân giữa phụ nữ Việt Nam với đàn ông Trung Quốc có thể là kết quả của nạn buôn người.[26]
  • Sức khỏe phụ nữ và sức khỏe sinh sản: Tỷ lệ phụ nữ ở độ tuổi sinh sản mắc các bệnh nhiễm khuẩn đường sinh sản (20%) và nhiễm khuẩn lây truyền qua đường tình dục cao (25%). Đóng góp của y tế công góp phần làm giảm tỷ lệ tử vong mẹ và con, tuy nhiên tử vong mẹ vẫn còn ở mức cao (29,9/1.000), đặc biệt ở miền Trung, cao nguyên và các tỉnh miền núi phía Bắc.[cần dẫn nguồn]
  • Tỷ lệ phá thai cao: Việt Nam có tỷ lệ nạo phá thai cao nhất thế giới, và người thua thiệt bao giờ cũng là phụ nữ.[27] Một nguyên nhân là do tình hình quan hệ tình dục ở lứa tuổi vị thành niên, trước và ngoài hôn nhân của vị thành niên và thanh niên ngày càng nghiêm trọng, không chỉ phổ biến ở các thành phố lớn, các khu đô thị mà xuất hiện ngày càng nhiều ở các vùng nông thôn. Vấn đề giáo dục giới tính cho trẻ em nữ không được làm tốt và do sự du nhập của văn hóa sống tự do phương Tây qua các phương tiện truyền thông. Thanh niên nữ quan hệ tình dục lần đầu sớm hơn trước nhiều. Theo Điều tra Quốc gia về thanh niên và vị thành niên Việt Nam lần 2 (SAVY 2) công bố (tháng 8-2010), tuổi có quan hệ tình dục lần đầu đã hạ xuống 18,1 tuổi, sớm hơn 1,5 tuổi so với thanh niên cùng lứa tuổi trong điều tra cách đây 5 năm (19,6 tuổi).[28]
  • Mại dâm: Phụ nữ là nạn nhân chính của tệ nạn mại dâm tại Việt Nam. Hiên nay, do vấn đề kinh tế, đặc biệt tại các vùng khó khăn, tình trạng mại dâm nữ diễn biến rất phức tạp, có chiều hướng tăng lên. đầu tư cho công tác phòng chống mại dâm và phòng chống buôn bán phụ nữ trẻ em hiện nay quá ít, không tương xứng với nhiệm vụ. Ngân sách chủ yếu là lấy từ kinh phí thường xuyên của các bộ, ngành và địa phương trong nguồn chi đảm bảo xã hội, nên nhiều nơi không bố trí kinh phí cho chương trình này, hoặc bố trí rất ít.[29]

Tài liệu tham khảo

WikiPedia: Phụ_nữ_Việt_Nam http://docs.google.com/viewer?a=v&q=cache:E7zz7gsT... http://netdepphunu.com/ http://www.nguoichilinh.com/Default.aspx?ID=0&cid=... http://phapluatviet.com/dich-vu-tu-van-luat/71-bat... http://www.voatiengviet.com/content/un-vietnam-gen... http://vnexpress.net/gl/xa-hoi/2003/09/3b9cb4ca/ http://wayback.archive.org/web/20130523011134/http... http://web.archive.org/web/20061028001237/http://w... http://web.archive.org/web/20101213062351/http://w... http://web.archive.org/web/20110111163005/http://w...